Phương pháp điều trị 2.0 gồm một phác đồ thuốc tối ưu hơn, các công cụ chẩn đoán rẻ và đơn giản hơn với chi phí thấp. Việt Nam sẽ là nước đi đầu thí điểm phương pháp điều trị này trong năm nay.
|
Ảnh: N.P. |
Tại Việt Nam, hầu hết những bệnh nhân HIV đều bắt đầu điều trị rất muộn khi hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu và các nhiễm trùng cơ hội như bệnh lao đã thâm nhập. Trong những trường hợp này, việc điều trị rất ít hiệu quả, dẫn đến việc gia tăng các ca tử vong.
Chính vì thế, việc thí điểm phương điều trị HIV 2.0 hy vọng có thể giảm gần như hoàn toàn các ca tử vong liên quan đến AIDS và giúp dự phòng lây nhiễm HIV. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu được dùng sớm, thuốc kháng virus ARV có thể ngăn chặn sự phát triển của HIV trong người nhiễm và làm giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác.
"Việt Nam sẽ thí điểm phương pháp điều trị 2.0 nhằm tiến tới đáp ứng được cho tất cả những người cần đến các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ", Phó giáo sư Tiến sỹ Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết.
Đây là sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).
"Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã thúc đẩy sáng kiến quan trọng này. Sự đổi mới này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, huy động được nguồn lực từ cộng đồng để mở rộng xét nghiệm và điều trị HIV, giảm kỳ thị...", ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS Việt Nam cho biết.
Dịch HIV ở Việt Nam tập trung ở các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, chủ yếu là những người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và nữ bán dâm. Hiện nay, có hơn 250.000 người đang sống với HIV. Trong đó mới chỉ có 54% số người có nhu cầu được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus.
Nam Phương